Ông tướng gầy

bởi Giang Linh. Th3. 23, 2020 0
Chia sẻ Tweet Pin it

Phạm Xuân Thông kể

 

Thuở xưa có một người thợ rừng lực lưỡng khoẻ mạnh. Cái rìu cái búa thông thường anh cầm lỏng tay, phải thuê thợ rèn đánh to bằng hai bàn tay xoè, dùng mới vừa sức. Cây gỗ to bằng thân người, anh chỉ đẵn bốn nhát là xong; còn những cây cổ thụ to bằng bánh xe trâu, bằng cái nong, cái nia, anh chặt một ngày cũng được vài mươi khúc. Tính ra số gỗ anh đẵn được, từ ngày mới biết vác rìu vào rừng đến giờ, cũng đủ dựng nhà cho ba làng, bảy xóm, chín mười ngôi đền, ngôi miếu. Nhưng ngôi nhà vợ chồng anh thì chỉ vừa lọt cái giường, chiếc chiếu. Ngôi nhà thấp đến nỗi anh ra vào thì đầu đụng nóc, vai chạm kèo. Vì nhà anh quá nghèo, vợ lại hay ốm đau, nên đẵn được bao nhiêu gỗ anh đều phải bán rẻ mới kịp mua thuốc cho vợ, mua gạo cho mình. Vì vậy người vợ thường phàn nàn:

– Mình có đốn hết gỗ trong rừng cũng chẳng “đủ” làm một cái nhà ba gian.

Người thợ rừng cũng biết đời mình không sao tránh khỏi điều vợ lo. Nhưng không có cách nào thoát được cảnh bữa sáng lo bữa chiều. Lúc vợ có chửa được bảy tháng, anh thợ rừng đi đốn gỗ về đóng cho vợ một cái giường. Cây gỗ không to, anh mới chặt ba nhát búa mà nó đã chuyển mình sắp ngã. Không may, một luồng gió thổi đến rất mạnh, cây gỗ ngã trái chiều. Anh thợ rừng tránh không kịp, bị gỗ đè gẫy cả hai tay. Thế là mọi việc đều đổ lên đầu người vợ ốm, đang có mang. Chị chạy khắp đầu làng cuối xóm vay mượn về nuôi chồng. Nhưng bạn nghèo thì không có, còn người có của thì chẳng thương người nghèo. Vợ người thờ rừng phải ra sông bắt hến nuôi chồng bữa cháo bữa rau. Nước sông khá sâu, chị phải ngâm mình dướin nước cả ngày mới bắt được một bữa hến.

Một hôm, trời mưa trên nguồn rất lớn, chị đang lăn ngụp giữa sông thị nước nguồn về cuốn chị đi. May sao, chị vớ được một cây chuối lở gốc trôi giữa dòng mới thoát chết, nhưng về đến nhà thì chị đẻ. Nhà anh thợ rừng càng khổ cực hơn, chồng không làm gì được, vợ ốm nặng, đức con trai đẻ thiếu tháng không lúc nào được bú no sữa mẹ. Thằng bé không chết nhưng càng lớn càng gầy còm; mãi đến năm mười bảy tuổi mà người khẳng khiu như cái gậy, xương bọc da, đầu gối to hơn bắp đùi. Khi ngồi đầu gối cao quá vai, tóc trên đầu thưa như lông chân, người lùng nhùng, khi đã ngồi xuống rồi thì không muốn đứng lên. Vợ chồng anh thợ rừng thương con, nên dù nhà nghèo nhưng không bắt con làm gì. Họ đặt tên cho con là Gầy.

Một hôm, Gầy cầm cần câu ra sân ngồi dưới một gốc cây sung câu cá. Gặp hôm cá cắn, mới ngồi chưa nóng chỗ mà em đã câu được mấy con cá to. Đói ăn đã lâu, thấy mấy con cá tươi ngon, em liền lấy củi nhóm lửa tại gốc sung nướng cá ăn. Lúc ấy mặt trời lên được nửa buổi, gió thổi mạnh hắt bóng ngọn lửa xuống dòng sông, một con cá con ở dưới nước vọt lên nhìn, bị con chim bói cá rình trên cây đớp được. Sẵn củi để bên, Gầy ném con chim; con chim bay vù đi thả con cá rơi lại xuống sông.

Sáng hôm sau, em lại cầm cần ra chỗ cũ ngồi câu cá, nhưng vừa đến đã thấy ai bày sẵn dưới gốc cây một con cá nướng to bằng bắp chân và một rá cơm trắng. Mùi cá tươi, cơm nóng thơm nức mũi, tuy chẳng biết là của ai, nhưng từ bé đến giờ chưa bữa nào được ăn ngon như thế, nên Gầy quên câu, ngồi sà xuống ăn một mạch hết con cá nướng và rá cơm. Ăn xong, em vốc nước lên uống thì nghe tiếng người giữa sông nói lên:

– Người đã ăn hết cơm hết cá, vậy là ta đã trả được ơn…

Gầy ngơ ngác nhìn ra thì thấy một việc kì lạ – một vật nửa trên là người, nửa dưới là cá nhô lên khỏi mặt nước giữa sông và nói:

– Ta là Thuỷ thần. Hôm qua con ta đi chơi trông thấy ngọn lửa chiếu xuống, nó nhảy lên xem thì bị loài chim dữ bắt được. Nhờ có ngươi đánh con chim dữ ấy, con ta mới thoát chết. Nay ta đền ơn… người cứ lên khỏi đây sẽ biết.

Em Gầy lóp ngóp chạy lên bờ, đầu chạm phải gốc sung, gốc sung vẹo sang một bên. Một sức mạnh kì lạ đã làm cho em Gầy khoẻ lên vạn lần. Em béo lên, thịt căng ra, mắt sáng, tay chân cứng bóp không lún, tóc dày và cứng như rễ tre. Em gầy chạy một mạch về nhà. Vui mừng qua, em nhảy múa reo hò, rồi vớ lấy cái rìu của cha chém đông, chém tây, chém tả, chém hữu. Chiếc rìu nặng thế mà em cầm nhẹ như chiếc đũa bếp. Cái rìu của cha đối với em bây giờ bé nhỏ quá rồi. Nên em phải rèn một cái lưỡi rìu to bằng bốn bàn tay xoè thì mới vừa tay. Thế rồi, hàng ngày Gầy vác rìu vào rừng đẵn gỗ để nuôi cha mẹ.

Năm ấy nhà vua xây dựng nhiều cung điện. Vua thuê rất nhiều thợ rừng đi đốn gỗ. Gầy xin nhập bọn thợ. Với sức khoẻ và lưỡi rìu to ấy, mỗi ngày em đẵn không biết là bao nhiêu gỗ lim, gỗ trác, gỗ mun, cây nào cũng to như cái nong, cái nia. Nhưng thấy Gầy ít tuổi, bọn thợ rừng bắt nạt, chúng ngồi chơi, hoặc chui vào bóng râm ngủ một ngày, rồi lấy gỗ của Gầy bán được đem chia nhau, chỉ cho Gầy một phần ít. Nên Gầy đẵn gỗ giỏi hơn cha gấp mười lần mà vẫn không đủ nuôi cha mẹ.

Thuê đẵn gỗ xong, vua dựng đền. Ngôi đền toàn gỗ quý, cột cái to bằng cái nong, cột con bằng cái nia, xà ngang xà dọc dài hàng chục sải tay, to đến vài người ôm không xuể. Dựng cột dựng kèo xong, còn cây đòn dông to hơn cái bánh xe trâu, được ghép lại bằng năm cây gỗ lim, dài đến hơn hai mươi sải tay, nên tất cả phường thợ, cả quân lính trong triều ra giúp sức vẫn không sao đặt nổi lên ngàm cái vì kèo. Phường thợ lại cho người đến cầu khẩn Gầy. Gầy đến xin vua cho ăn một bữa cơm. Vua ra lệnh nấu một thùng gạo tẻ, một vạc canh và một con dê luộc. Ăn xong, Gầy vác hẳn một đầu cây đòn dông đặt lên vì kéo. Đặt xong một bên, Gầy đến xốc bên kia lên vai, bước theo các bậc đá đặt nốt lên. Cây đòn dông to, dài hai mươi sải, cả phường lính hì hục cả tháng không đặt lên được, còn Gầy chỉ làm chưa nhai dập miếng trầu đã xong. Vua thưởng cho Gầy ba xe lúa, bảy vò mắm và chín con dê. Gầy đem tất cả những thứ ấy về nuôi cha mẹ.

Vua có một cô công chúa mặt đẹp như tranh, da trắng như ngà. Nhiều hoàng tử, vua chúa các nước đều đến hỏi làm vợ. Trước bao nhiêu người quyền cao chức trọng, giàu có như nhau, vua chưa biết nên gả cho ai, cô công chúa cũng chưa biết chọn ai. Nhưng các vua, các hoàng tử kia thì sợ mất phần, nên cũng đem quân đến đánh, cướp cô công chúa. Đất nước ngập khói ngập lửa, đâu đâu cũng có giặc. Giặc Đông, giặc Tây, giặc hô hét ở phía Nam, giặc tung hoành ở phía Bắc. Nhà vua cuống cuồng, quan văn quan võ đều run sợ, ai cũng mang vợ con đi trốn chứ chẳng ai dám ra chống giặc. Gầy liền vác rìu lên rừng đẵn một cây gỗ lim to bằng cái nia, dài chín sải, vác đi đánh giặc. Chân của Gầy bây giờ khoẻ mạnh như chân voi, đi đến đâu giặc chạy tan tác đến đó. Gầy đi từ Nam ra Bắc, vác gậy lao thẳng vào giữa quân giặc mà quật. Cây gỗ của Gầy quật xuống một nhát, quân giặc chết có đến nghìn người. Xác giặc chết như trâu, đứa chưa chết thì lạy lục xin tha, đứa ở xa thì đều cắm đầu cắm cổ chạy. Gầy đánh tan được giặc ở phía Nam, phía Bắc, thì lũ giặc phía Đông phía Tây đã rùng mình. Sợ sức khỏe kì lạ của Gầy, chúng dẫn nhau chạy hết về nước.

Gầy có công lớn, được vua rước về gả công chúa, phong cho làm tướng. Bọn vua và bọn công tử các nước nghe con anh thợ rừng cưới được công chúa thì tức đến vỡ mặt, nhưng sợ oai ông tướng Gầy, chẳng ai dám bén mảng đến nửa. Từ đó, nhà người thợ rừng mới hết khổ.


Bài trước

Sự tích sầu riêng

Bài tiếp theo

Gươm Ông Tú

    Đừng bỏ lỡ một câu chuyện

    Theo dõi bản tin email của chúng tôi:

    Đừng lo lắng, chúng tôi ghét thư rác nhiều như bạn

    Bài viết liên quan

    Truyện cổ tích: Người đẹp trong tranh
    Cổ tích Việt Nam

    Truyện cổ tích: Người đẹp trong tranh

    bởi Giang Linh. Th10. 12, 2024 0
    Truyện cổ tích: Tiếng hát
    Cổ tích Việt Nam

    Truyện cổ tích: Tiếng hát

    bởi Giang Linh. Th10. 09, 2024 0
    Đẽo cày giữa đường
    Cổ tích Việt Nam

    Đẽo cày giữa đường

    bởi Giang Linh. Th10. 09, 2024 0

    Để lại bình luận