Truyện cổ tích Nàng tiên thứ chín

bởi Giang Linh. Th3. 22, 2020 0
Chia sẻ Tweet Pin it

 

 

Nàng tiên thứ chín

 

Ngày xưa, có một bà cụ già có một người con trai lớn, nhưng bà nghèo quá chẳng có tiền để hỏi vợ cho con. Ðêm nào thấy con trai nằm ngủ một mình bên bếp lửa, bà cũng ra đầu sàn ngồi nhìn trời mà khóc.Một đêm, sau khi khóc nhiều quá, bà ngã đầu vào cái vách ngủ mê đi lúc nào không biết. Một ánh chớp loé lên, bà cụ vội mở mắt thì thấy một ông già râu tóc bạc phơ, mặc áo xanh, đi giầy xanh, chống gậy xanh, đứng trên ngọn cây mít. Hoảng quá, bà cụ định chạy vào bếp, thì thấy ông cụ già khoát tay, cất giọng hiền từ bảo: “Ta là tiên, biết bà đang khổ vì cảnh nghèo khó, không có tiền đi hỏi vợ cho con, nên ta giúp. Ngày mai bà bảo con trai bà đi theo hướng ta chỉ, cứ đi mãi đến ngọn núi có phiến đá trắng to như cái nhà kia, sẽ thấy chín nàng tiên xuống tắm. Con trai bà yêu cô nào, thì cứ lấy đôi cánh của nàng tiên ấy đem về nhà là được .”
Nói xong Tiên ông biến mất. Mừng quá, bà cụ liền đẩy cửa, vào thổi bếp lửa cháy bùng lên, gọi con dậy, kể lại đầu đuôi câu chuyện vừa qua.

Tờ mờ sáng hôm sau, người con trai gói cơm, đeo ống nước, băng rừng, leo núi, leo hết núi này đến núi khác, đúng trưa mới đến chỗ tiên ông bảo. Một cảnh tuyệt đẹp hiện ra trước mắt. Hồ nước xanh biếc, trong vắt như gương, có đường xuống bến tắm, trên bờ hoa thơm, cỏ lạ đang đua nở khoe sắc cùng ong bướm, sỏi đá lấp lánh như kim cương.

Thấy nắng rung rinh, chàng đưa mắt ngó lên trời, bỗng từ trong đám mây hồng có chín nàng tiên mặc áo xiêm trắng, đang bay và hạ xuống dần. Chàng con trai nghèo liền nép vào bụi nhìn theo. Chín nàng tiên đã đứng trên các phiến đá ngọc, cởi cánh ra, lội xuống tắm. Nước trong, da các nàng tiên trắng ngần, nhìn cô nào cũng đẹp lộng lẫy như mặt trời mọc. Duy có nàng thứ chín là đẹp hiền hậu hơn cả. Tóc nàng đen mướt và dài như dòng suối, giọng cười trong và thanh như tiếng sáo ngân vang: miệng đẹp hơn hoa nở, mắt sáng như sao, khi nàng nhìn vào vật gì vật đó rực lên như có trăm ngàn ánh hào quang chói sáng. Chàng trai liền lẻn đến lấy trộm cặp cánh tiên của cô thứ chín, rồi trở về nhà.

Trống trên trời gióng bảy hồi khoan nhặt báo giờ các cô phải về tiên cung. Tám cô chị lên bờ, lắp cánh của mình và bay trước. Còn cô em mải đùa nghịch dưới làn nước mát, lên sau. Không thấy cánh tiên đâu nữa, nàng hoảng hốt cuống cuồng chạy quanh bờ. Trống trên trời vẫn giục giã, sắp đến giờ đóng cửa của thiên đình. Nàng tiên thứ chín lại chạy quanh bến nước chăm chú tìm lại, nhưng thông thấy. Nhìn dấu chân người còn in trên cát mịn, dấu chân trên đường xuống núi, biết có kẻ lấy đôi cánh của mình rồi, nàng vội vã cài lại áo xiêm, lần theo dấu chân đi mãi . Xế chiều nàng đến một ngôi nhà sàn nhỏ, dựng lẻ loi dưới chân núi. Nàng đang phân vân không biết đi ngả nào, thì một cụ già đến bên nàng chào hỏi: “Cháu ơi! Ðường xa vắng vẻ, cháu đi một mình như thế này nguy hiểm lắm, cháu hãy vào nhà ta ăn cơm, uống nước rồi nghỉ lại đã.” Nhìn nét mặt hiền hậu của bà cụ, nàng tiên gục đầu vào vai bà khóc, kể lại việc nàng bị mất đôi cánh tiên nên không về trời được. Bà cụ đưa nàng vào nhà. Chàng con trai sung sướng bước ra chào hỏi, rồi vào rừng bẻ măng, nhổ nấm đem về đưa mẹ nấu canh cho cô gái ăn. Tối chàng ngồi kéo đàn kơ ri – loại nhạc cụ réo rắt như đờn cò của người kinh – cho cô gái yên giấc.

Ở đây một tháng, hai tháng, lúc đầu nàng tiên thứ chín hết sức nhớ mẹ, nhớ cha, nhưng được sự chăm sóc, trìu mến của bà cụ và chàng trai hiền hậu, siêng năng, nên nàng khuây khoả dần. Buổi sáng nàng cũng đi lên rẫy, vào rừng, buổi chiều nàng cũng ra giếng đội nước với chị em.

Nửa năm sau người con trai bà cụ lấy nàng tiên. Hai vợ chồng sống bên nhau rất hòa thuận, vui vẻ. Dân làng ví họ là cặp vợ chồng chim sáo – vì họ vừa xinh đẹp, vừa chịu khó làm ăn. Người chồng chưa bao giờ mắng vợ nửa lời. Chiều nào lên rừng về, chàng cũng cố tìm cho mẹ và vợ một ống mực thơm, một bó rau ngót, một bó măng, hay lưng gùi ngô non thơm sữa. Hai mùa, ba mùa, đến một đêm trăng tròn vành vạnh, nàng tiên thứ chín sinh được một đứa con trai kháu khỉnh. Từ đó, trong nhà càng thêm đầm ấm, vui vẻ hơn. Nhưng một hôm trời đang yên lành, bỗng có tiếng sấm ầm ầm, giận dữ. Mây đen, mây xám kéo đầy trời. Lửa đỏ rực, chớp nhằng nhịt dữ tợn. Người vợ vừa cõng con ra đứng đầu sàn phía tây, đột nhiên thấy thiên lôi từ trên trời cầm búa nhảy xuống sân. Mặt giận dữ, Thiên lôi bảo rằng, hắn vâng lệnh Trời, xuống bắt nàng tiên phải về ngay, nếu không sẽ giết chết con nàng, giết cả chồng và người mẹ chồng của nàng nữa. Thương con, thương chồng quá, nàng tiên ngã gục xuống khóc nức nở rồi chạy vào nhà rút ba ống nứa dài vắt đầy sữa, nhẹ nhàng đặt con lên chiếu, cắt một nắm tóc để lại cho chồng, rồi theo Thiên lôi về thiên đình.

Chiều bà cụ và người chồng về nhà, không thấy nàng tiên, chỉ thấy đứa con nằm ngủ bên nắm tóc thơm của mẹ nó. Nhìn cây cối ngả nghiêng, cháy xém, biết có điều hung dữ xảy ra, chàng cõng con trên lưng, bước xuống cầu thang đi vào rừng, nhìn trời khóc suốt chín ngày đêm. Tiếng khóc ai oán, ấm ức nghe nghẹn cả cổ, đau cả lòng. Ðược tin, dân làng thương quá, rủ nhau giúp sức, góp của. Nhờ bác thợ rèn chuyên nghề chim sắt biết bay, đúc cho hai cha con người xấu số ấy một con chim công sắt.

Ðược chim sắt rồi, hai cha con ngồi trên lưng công bay vút lên trời. Qua mây hồng, mây bạc, mây xanh, đến sông Hằng sắp tới triều đình, thì công sắt không tài nào bay qua được. Gió to, sóng gầm dữ dội. Năm bảy lần con công cất cánh đều lao đao muốn rớt. Hai cha con đành ở bên này sông. Một hôm, người vợ ra sông giặt áo, đứa con nhỏ thấy mẹ, liền gọi lên. “Mẹ ơi!” Người vợ quay sang, hai vợ chồng nhìn thấy nhau, nhưng không gần nhau được. Ðau khổ quá, họ bưng mặt khóc.

Dân làng nhà trời thấy vậy vô cùng thương xót. Họ vào xin thiên đình cho hai vợ chồng được gặp nhau. Nhưng thiên đình không cho, viện cớ sắp gả nàng tiên thứ chín cho chàng trai thuộc dòng họ quyền quý. Không quản ngại, dân làng liên tiếp cử người đến gõ cửa, buộc thiên đình phải xử. Cuối cùng Ngọc Hoàng phải xuống lệnh nếu chồng cô thứ chín làm được mấy việc sau này mới lấy được con gái nhà trời. Thứ nhất là trong một ngày phải nhặt hết số vừng rơi trong khu rẫy dài bằng một khoảng chim bay mỏi cánh. Thứ hai là phải ăn hết những ớt gió đã chín trong một khu rừng ớt. Thứ ba là phải làm một cái nhà bằng kim cương thật đẹp giữa sông Hằng. Thương con, thương vợ người chồng phải nhận. Sáng hôm sau, hai cha con dậy thật sớm để nhặt vừng, nhưng mãi cho tới trưa, khi mặt trời đã ở giữa đỉnh đầu mà vẫn chưa nhặt được bao nhiêu. Thấy thế, Tiên ông liền đọc phù chú, gọi một bầy chim sẻ đông nghịt, bay xuống nhặt hộ, chẳng mấy chốc đã hết nhẵn.

Nhưng còn rừng ớt chín đỏ kia làm sao hái hết cho được. Người chồng cố hái ăn, bụng nóng như lửa đốt, mắt đỏ xè, thế mà mới ăn được mấy quả. Tiên ông thấy vậy , liền niệm thần chú hoá ra một đàn chim chào mào bay xuống ăn giúp. Trong giây lát cả rừng ớt chỉ còn trơ lại cành lá. (Ðến nay người Hê- rê giải thích chim chào mào đỏ đít là do ngày xưa nó ăn ớt cứu người).

Ðã đến lúc phải xây nhà kim cương giữa sông Hằng chảy xiết. Chàng trai và dân làng đổ rất nhiều công đẵn gỗ thả xuống sông, nhưng gỗ dù nặng dù to mấy đều bị nước cuốn phăng đi như cuốn một cái lá. Một ngày không được, một tháng không được, một mùa không được, một năm không xong, hết phương kế, chàng trai ôm con ngồi bên bờ sông than khóc thảm thiết.

Thần cá liền ra lệnh cho cá chình, cá sấp, cá chép, lươn chạch, cua, rùa, cá lóc, cá nghạnh… đều bơi lại giúp. Một con chình to lớn quẫy mạnh, nhô đầu lên bảo: “Anh đừng lo, ngày mai anh sẽ có nhà đẹp và sẽ được gặp vợ. Hãy vui lên, đừng khóc nữa!” Quả đúng như vậy, sáng hôm sau, khi mặt trời vừa thức giấc, bỗng có một ngôi nhà lấp lánh bằng kim cương hiện lên đồ sộ giữa sông. Chung quanh sóng vỗ rạt rào. Chiếc nhà do các loài cá xây nên, cá chình nhận làm cột, cá lóc làm sạp, cá sấp, cá chép làm mái nhà. Cá nghạnh làm xà, rùa làm bếp, cua làm móc chiêng, lươn, chình thì nối đuôi nhau thành một cái cầu tuyệt đẹp từ bờ ra đến giữa sông.

Ngọc Hoàng cùng thần hung ác thấy nhà đẹp mới chịu đem thuyền cho anh chàng nghèo sang sông gặp vợ. Còn bọn chúng thì hí hửng khiêng lúa, gạo, chiêng, ché ra nhà kim cương ở, chúng lao nhao tổ chức lễ ăn mừng. Nhưng khi vừa nhóm lửa nấu thịt thì rùa làm bếp bị nóng lưng quá lăn ngay xuống nước. Cùng lúc cá chình, cá lóc, cá sấp, cá trê… cũng lăn theo. Nhà đổ sập làm chìm cả lũ gian thần xuống dòng sông chảy xiết đầy cá sấu, cá măng. Trời cao vòi vọi, sóng nước mênh mông trắng xoá.

Từ đó nàng tiên thứ chín và chồng được cai quản thiên đình, làm cho mưa rơi xuống, mát mẻ trần gian. Làm cho nắng chiếu xuống để cây cỏ xanh tươi, bốn mùa hoa nở. Lâu lâu họ chắp cánh bay xuống tắm ở suối ngọc rồi về thăm mẹ già và bà con quê cũ.

Nguồn: Sưu tầm


    Đừng bỏ lỡ một câu chuyện

    Theo dõi bản tin email của chúng tôi:

    Đừng lo lắng, chúng tôi ghét thư rác nhiều như bạn

    Bài viết liên quan

    Truyện cổ tích: Người đẹp trong tranh
    Cổ tích Việt Nam

    Truyện cổ tích: Người đẹp trong tranh

    bởi Giang Linh. Th10. 12, 2024 0
    Truyện cổ tích: Tiếng hát
    Cổ tích Việt Nam

    Truyện cổ tích: Tiếng hát

    bởi Giang Linh. Th10. 09, 2024 0
    Đẽo cày giữa đường
    Cổ tích Việt Nam

    Đẽo cày giữa đường

    bởi Giang Linh. Th10. 09, 2024 0

    Để lại bình luận